nav moblie
Tin tức

Câu chuyện tư duy nhiệm kỳ

(TBKTSG số 19-2014) Qua việc đầu tư Sân bay Long Thành, xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay đăng cai Asiad 18..., bài học tư duy nhiệm kỳ như vẫn còn đeo đẳng chúng ta. Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP VLXD Secoin cho rằng câu chuyện tư duy nhiệm kỳ không thể chấm dứt một sớm một chiều nếu không thay đổi mạnh mẽ thể chế.

Có sự liên tưởng giữa các câu chuyện về đầu tư sân bay Long Thành, xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay đăng cai Asiad 18 với một vấn đề mà Chính phủ đã mạnh dạn nhìn nhận trong điều hành đất nước: tư duy nhiệm kỳ.

1. Trong lịch sử phát triển của các thành phố lớn như Toronto, Paris hay thậm chí là Bangkok, họ đều trải qua giai đoạn sử dụng sân bay gần thành phố. Tuy nhiên, đến khi đô thị phát triển, để đáp ứng nhu cầu, họ đều xây dựng một sân bay lớn hơn, hiện đại hơn ở cách xa trung tâm, còn sân bay cũ vẫn được giữ làm sân bay nội địa hoặc vận chuyển hàng hóa.

Câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành chắc chắn cũng sẽ phải đi theo lộ trình như vậy, nhưng có mấy vấn đề đặt ra:

Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quy hoạch sân bay Long Thành. Vậy tại sao không có kế hoạch triển khai đồng bộ để đến 10 năm sau (2007) vẫn phải vay 292 triệu đô la Mỹ vốn ODA của Nhật xây nhà ga quốc tế T2 tại Tân Sơn Nhất? Nay, khi còn chưa khai thác hết T2 đã tính làm sân bay mới tới 8 tỉ đô la?

Trên cơ sở năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, sao không tính toán lại lộ trình đầu tư sân bay Long Thành vào thời điểm thích hợp: qua giai đoạn khủng hoảng, tình hình tài chính cho phép, hoàn vốn đầu tư T2 để tái đầu tư cho sân bay Long Thành, kết nối hạ tầng hoàn chỉnh (đường TPHCM - Long Thành, Bến Lức - Long Thành và các cơ sở vật chất cần thiết xung quanh cho một sân bay hiện đại).

Phải chăng những câu hỏi trên thể hiện cách đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn và mang nặng tính tư duy nhiệm kỳ?

2. Mỗi lần qua Nhật, tôi luôn có cảm giác tuyệt vời khi được đi trên tàu cao tốc Shinkansen từ Kyoto đến Tokyo và ngắm đỉnh núi Phú Sĩ. Những lúc ấy tôi luôn mong ước có một tuyến đường như vậy cho Hà Nội - Sài Gòn.

Tuy vậy, mỗi giấc mơ cần có thực tế.

Vẫn biết cần có một tuyến đường sắt cao tốc cho đất nước nhưng khi nào làm, tiến độ ra sao, làm đoạn nào trước, đoạn nào sau đều là những vấn đề cần được tính toán rất kỹ chứ không phải hứng lên là vay tiền làm.

Bài học xây cầu Thăng Long ở Hà Nội cách đây 40 năm (xây dựng 1974, hoàn thành 1985) như là minh chứng đau đớn cho việc đầu tư thiếu tầm nhìn. Phải mất gần 20 năm sau khi xây xong thì công suất của cầu mới được khai thác gọi là có hiệu quả. Lý do là cầu xây xong mà không có đường, nhiều năm sau mà hệ thống đường kết nối với cầu vẫn rất kém và bất tiện. Trong khi đó, Hà Nội lại thiếu cầu trầm trọng, phải lấy nguyên liệu thừa của cầu Thăng Long để làm cầu Chương Dương. Khi cầu Chương Dương đi vào hoạt động hết công suất thì cầu Thăng Long vẫn lưa thưa người đi! Đến hôm nay, việc cầu Nhật Tân sắp đi vào hoạt động để nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội cũng là minh chứng cho sự thiếu hiệu quả trong đầu tư cầu Thăng Long năm xưa.

3. Khi Thủ tướng quyết định rút đăng cai Asiad 18, báo Tuổi Trẻ giật tít: “Một quyết định hợp lòng dân”, các trang mạng ào ào ủng hộ quyết định của Chính phủ. Đành rằng những người có trách nhiệm đề xuất lúc đó mong muốn làm một việc để đời là tổ chức một kỳ olympic hoành tráng. Nhưng cái hoành tráng đó có vì đất nước, vì người dân hay không trong bối cảnh hiện nay lại là câu chuyện khác.

Bài học tư duy nhiệm kỳ như vẫn còn đeo đẳng chúng ta trong mọi lĩnh vực. Những câu chuyện như tỉnh nào cũng phải có sân bay, tỉnh nào cũng phải xây khu công nghiệp, cầu cảng..., rồi những “đại nạn” trong đầu tư như nhà máy đường, nhà máy xi măng... để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho đất nước.

Câu chuyện tư duy nhiệm kỳ này không thể chấm dứt một sớm một chiều nếu không thay đổi mạnh mẽ thể chế. Nó sẽ còn đeo đẳng và để lại những hệ lụy khôn lường cho dân tộc mà thậm chí hai, ba thế hệ sau còn phải trả giá.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 08/05/2014)


Người viết : admin
zalo secoin