nav moblie
Tin tức

Tầm nhìn giải cứu (VnExpress)- Đinh Hồng Kỳ

Tôi được nghe nhiều kiến nghị từ đại diện doanh nghiệp. Ai cũng than khó, đề nghị được nhà nước “cứu”.

Tôi tham gia ban chấp hành một số hội, hiệp hội trung ương và địa phương nên được nhận nhiều ý kiến từ giới kinh doanh thời gian qua. Trong ngành vật liệu xây dựng doanh nghiệp tôi đang hoạt động, các doanh nhân chia sẻ rằng họ phải thu hẹp sản xuất, nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động hai tháng nay. Một giám đốc nói nếu tình hình hiện nay kéo thêm 1, 2 tháng nữa thì không dưới 30 % công ty trong ngành sẽ phá sản.

Một vị khác, đang điều hành công ty về du lịch, phải cho nhân viên nghỉ gần ba tháng nay. Công ty anh, cũng như đa số doanh nghiệp lữ hành, có doanh thu 0 Đồng. Anh thấy báo đăng về các gói giải cứu kinh tế của Chính phủ, của TP HCM hay ngân hàng thì khấp khởi mừng. "Tôi đang hy vọng sẽ được cứu", anh nói với tôi.

Hôm 5/5, tại hội nghị "Khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM" gồm lãnh đạo Thành phố và đại diện gần 100 doanh nghiệp các ngành nghề, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến. Điều tôi chú ý là tất cả các ý kiến đều than khó, kêu khổ, rồi kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp mình. Cách tư duy này không lạ. Không chỉ do dịch Covid, nhiều năm qua, doanh nghiệp dường như vẫn tận dụng các cuộc gặp đại diện nhà nước để than phiền, liệt kê khó khăn rồi sau đó đề xuất, kiến nghị thay đổi gì đó đầu tiên là cho công ty họ. Như ở cuộc họp tại Ủy ban Thành phố lần này, người thì đề nghị được giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; người kiến nghị ngân hàng giảm lãi, giãn nợ; người đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, một số ý kiến đề xuất giảm đồng loạt thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đa số doanh nhân cũng than phiền "rất khó tiếp cận các gói cứu trợ". Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, chỉ 8 % doanh nghiệp tại đầu tàu kinh tế cả nước tiếp cận được chính sách hỗ trợ người lao động; 28 % tiếp cận được chính sách về nguồn vốn; 31 % tiếp cận được chính sách liên quan đến thuế. Tuy có thể tiếp cận, nhưng số đơn vị nhận được giải ngân còn thấp hơn rất nhiều, nhiều người than "không thể được".

Tôi tin các doanh nhân đều có lý của họ. Song khi ngồi cả ngày trong cuộc họp, tôi lại nghĩ khác. Làm sao để công ty mình được hưởng gói cứu trợ nghìn tỷ của nhà nước với tôi không quan trọng bằng câu hỏi, làm sao để tiền cứu trợ đến tay người cần thực sự, tránh bị thao túng bởi lợi ích nhóm. Quan trọng hơn, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giải cứu này; làm rõ câu hỏi: ai mới là đối tượng cần "cứu" nhất?

Gần 80 % doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK VN có lợi nhuận trong quý I, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến 20/4/2020, vẫn có tới 571 công ty báo cáo có lãi. Trong khi doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, họ có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Tôi cho rằng đây là đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất vì chính họ đang tạo ra công ăn việc làm. Trong đợt dịch này, rất ít trong số họ có lợi nhuận, đa số đều thua lỗ, giải thể, phá sản. Mà đã thua lỗ thì lấy đâu ra "thu nhập chịu thuế" mà lọt vào danh sách được miễn giảm. Nếu chính phủ đồng loạt giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống, hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp lớn, đang có lãi. Còn các doanh nghiệp nhỏ, có thể đang hấp hối, không hề được lợi.

Tương tự, với đề xuất giảm thuế VAT. Những ngành, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân hay nguyên liệu cho sản xuất mới xứng đáng được "cứu" nhất. Ta thử hình dung, người mua hàng xa xỉ, hay rượu bia, thuốc lá, kể cả xe hơi, họ có cần giảm VAT không? Họ có cần. Nhưng không cần bằng những gia đình lo chạy ăn từng ngày, từng tuần, mới bị mất việc, giảm lương. Việc này cho tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khỏi Thị trường chứng khoán Việt Nam gần 20.000 tỷ Đồng trong ba tháng qua. Đa số doanh nghiệp tại Việt Nam đang đói vốn. Họ chỉ trông vào nguồn vốn "quen biết" có hạn, và vẫn quá khó khăn để tiếp cận nguồn tín dụng. Trong khi chỉ riêng nhóm 10 "vua tiền mặt" đã nắm giữ hơn 180.000 tỷ Đồng, xấp xỉ 35 % lượng tiền mặt của toàn khối doanh nghiệp, theo thống kê từ các công ty niêm yết. Phần không nhỏ trong số tiền này đang được gửi tiết kiệm lấy lãi tại các nhà băng. 18 ngân hàng niêm yết đều có lãi trong quý I/2020 với tổng mức lợi nhuận sau thuế trên 21.000 tỷ Đồng. Vậy tại sao nhà điều hành chưa đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận giá vốn tốt hơn?

Xin nhấn mạnh, không phải tất cả doanh nghiệp đều gặp khó bởi Covid như nhóm du lịch và dịch vụ. Nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành điện, nước, xăng dầu và khí đốt vẫn đạt lợi nhuận khủng, tới hơn 4.000 tỷ Đồng trong quý I. Hay như ngành tài nguyên cơ bản cũng nắm lợi nhuận hơn 3.000 tỷ Đồng. Các doanh nghiệp này hầu hết nằm trong tay các tập đoàn lớn của nhà nước. Việc họ tham gia "kêu và xin" các gói cứu trợ của chính phủ rất phản cảm. Thay vào đó, chúng ta có quyền chờ họ sớm giảm giá dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân.

Đã từ rất lâu, Chính phủ mới nhận được niềm tin tích cực của giới doanh nghiệp và nhân dân qua công tác chống dịch hiệu quả. Giờ đây, khi khởi động các gói hỗ trợ kinh tế, tôi cho rằng việc tiếp tục vun đắp niềm tin ấy còn quan trọng hơn. Nó giúp chứng minh rằng Chính phủ đã hành động trên cơ sở minh bạch và công tâm. Chỉ bằng cách ấy, khi đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này, giới doanh nghiệp chúng tôi và nhân dân sẽ vững tin hơn vào một Chính phủ hiệu quả và minh bạch, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng XIII sắp tới.

Đinh Hồng Kỳ

zalo secoin