Cuối năm 1990 tôi đặt chân đến đất nước Ba Lan trong nhiệm kỳ công tác năm của mình. Khi đó Ba Lan vừa chuyển đổi chính thể mới cầm quyền sang Công đoàn Đoàn kết và liên minh, với thủ lĩnh Lech Walesa lên nhậm chức tổng thống. Chính quyền mới bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường tự do.
Với một nền kinh tế thị trường mới bắt đầu, luật pháp, chính sách mới hình thành, sự khập khễnh trong chính sách là không tránh khỏi và đó là tiền đề cho nạn tham nhũng. Cảnh hoạnh họe để vòi tiền tràn lan ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Tệ nạn tham nhũng tại Ba Lan khi đó có gì đó giống với tình hình Việt Nam bây giờ.
Đi nhận hàng nhập khẩu thì phải đút lót hoặc ăn chia với hải quan nếu không muốn bị áp thuế mức cao. Rồi mặc cả giảm bớt số lượng hàng nhập để ăn chia tiền thuế nhập khẩu. Thậm chí có những lô hàng, hải quan ăn chia khoán gọn với chủ hàng mà nhà nước hầu như không thu được đồng thuế nào.
Ra đường thì cảnh sát giao thông “làm luật” trực tiếp với người vi phạm để đút tiền vào túi. Có câu chuyện vui khi tôi và anh bạn lái xe bị cảnh sát chặn lại vì một lỗi vi phạm nào đó. Anh cảnh sát yêu cầu chi riêng cho anh ta 50 zloty (tiền Ba Lan). Anh bạn tôi chỉ có tờ 200 zloty, định đi đổi thì anh cảnh sát vui vẻ bảo cứ đưa và trả lại tiền thối, công khai như mua bán ngoài chợ!
Tuy vậy, môi trường kinh tế và xã hội của Ba Lan thay đổi khá nhanh. Cùng với những biến chuyển về chính trị như năm 2000 gia nhập NATO, năm 2005 trở thành thành viên cộng đồng châu Âu (EU), nền kinh tế theo đó phát triển ngày càng lành mạnh, xã hội ngày càng văn minh, minh bạch hơn.
Tôi quay trở lại Ba Lan, đi cùng với anh bạn năm xưa bị cảnh sát giao thông phạt, hỏi giờ còn tình trạng “làm luật” trực tiếp không, anh nói rằng gần như không còn nữa. Hỏi ra mới biết chính quyền và cảnh sát Ba Lan đã có những biện pháp mạnh tay đối với tệ nạn nhận hối lộ của cảnh sát. Trước hết họ tinh giảm bộ máy ở mức tối thiểu nhất, sau đó tăng lương để đảm bảo mức sống cho cảnh sát. Cùng với đó là các chính sách chế tài hà khắc như nếu bị phát hiện nhận hối lộ thì cảnh sát và người đưa hối lộ nhận ngay án ba năm tù. Bản thân viên cảnh sát sau đó bị đuổi khỏi ngành và sau này không được nhận lương hưu. Cái giá phải trả cho việc nhận hội lộ vặt là quá đắt so với số tiền 50-100 zloty (khoảng 300.000-600.000 đồng) nên hầu như chẳng cảnh sát hay người vi phạm nào liều mạng. Với những vi phạm này ở Việt Nam thì anh cảnh sát cùng lắm bị hạ chức rồi thuyên chuyển công tác.
Ngành hải quan và quản lý thuế của Ba Lan đã từ một ngành tham nhũng trầm trọng trở nên “sạch sẽ” hơn rất nhiều chỉ trong một thời gian khá ngắn. Trước hết Ba Lan đưa vào áp dụng hệ thống khai thuế điện tử JPK. Mọi hoạt động của một doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng trong hệ thống này. Chẳng hạn, một lô hàng doanh nghiệp nhập về sẽ được niêm phong bằng chip điện tử từ cảng để theo dõi đến cửa khẩu hải quan gần nhất. Trong lô hàng, mỗi một chiếc quần, chiếc áo sau khi thông quan lập tức hiển thị rõ trên hồ sơ điện tử của doanh nghiệp cho tới khi nó được bán đi và ghi nhận doanh thu, lợi tức để sau này xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhân viên kế toán của doanh nghiệp buộc phải cập nhật trực tiếp số liệu vào hệ thống này để làm sao, tại bất cứ thời điểm nào, không chỉ ông giám đốc, bà kế toán của doanh nghiệp mà cả anh quản lý sở thuế hay nhân viên hải quan đều có thể kiểm tra được luồng đi của sản phẩm đó. Một hệ thống phần mềm liên thông giữa hải quan - sở thuế - doanh nghiệp không chỉ giúp minh bạch, tránh trốn thuế hay gian lận mà còn giúp cho khâu kiểm tra, thống kê, quyết toán thuế cho doanh nghiệp hết sức dễ dàng. Doanh nghiệp ở Ba Lan có thể quyết toán thuế tại bất cứ thời điểm nào, trong thời gian vài giờ. Trong khi việc quyết toán của một doanh nghiệp Việt Nam phải mất đến vài ngày hay thậm chí vài tuần, cả tháng với một “đội quân” cán bộ quyết toán thuế hùng hậu mà rồi kết quả thì chẳng ai biết chắc là đúng hay sai, nhiều khi tùy thuộc vào “ý chí” của đoàn quyết toán và mức độ “chịu chi” của doanh nghiệp! Hệ thống JPK của Ba Lan còn giúp ngăn chặn những gian lận như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, điều đang diễn ra ở Việt Nam và từng diễn ra tràn lan ở Ba Lan. Mặt khác, vận hành hệ thống JPK còn giúp Ba Lan cắt giảm được đội ngũ công chức hải quan và quản lý thuế lên đến hàng chục ngàn người.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chuẩn của cộng đồng châu Âu để đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ, dân chủ và nghiêm minh, Ba Lan cũng áp dụng điện tử hóa mọi chính sách, thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận.
Các vị trí có chức vụ quan trọng trong các cơ quan quản lý hành chính của Ba Lan đều phải thi tuyển. Sau đó, họ tạo cơ chế để hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của một cá nhân trong công việc mà mình quản lý.
Đảng cầm quyền hiện nay, Đảng Luật pháp và Công lý (PiS), theo trường phái bảo thủ, tuy có một số chính sách cực đoan gây nhiều tranh cãi tại Ba Lan và EU nhưng không thể phủ nhận những chính sách mạnh tay của họ trong việc triệt phá tham nhũng làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và kinh tế Ba Lan.
Một trong những thành công của Chính phủ Ba Lan trong công tác chống tham nhũng đó là vai trò hoạt động hết sức hiệu quả của Cơ quan Trung ương chống tham nhũng (CBA). Quyền hạn của CBA vô cùng lớn và thậm chí có cả những quyền mà một số nước EU cấm, như họ được quyền gài bẫy tham nhũng. Chính sách này có thể gây tranh cãi dưới góc độ dân chủ nhưng rất hiệu quả cho công tác chống tham nhũng, nhận hối lộ. Một loạt vụ gài bẫy của CBA đã thành công, đưa một số lượng không nhỏ quan chức vào chốn lao tù, phải nhận án cao tới 12 năm. Giờ đây bất cứ công chức nào khi chuẩn bị nhận hối lộ đều rất lo ngại bị CBA… bẫy.
Ba Lan còn đưa công tác giáo dục chống tham nhũng trở thành môn học trong nhà trường. Các học sinh từ cấp tiểu học đến các sinh viên đại học đều được giáo dục liên tục rằng đưa và nhận hối lộ là tội phạm nghiêm trọng, xấu xa.
Chỉ trong không nhiều năm, từ một đất nước có nạn tham nhũng hoành hành giống như nước ta hiện nay, Ba Lan đã thay đổi đáng kể bộ mặt. Theo bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng CPI của Tổ chức Minh bạch quốc tế TI, năm 2017, trong 180 nước, Ba Lan xếp hạng 36, Việt Nam xếp hạng 107.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta không biết những bài học ngăn chặn tham nhũng như Ba Lan đã làm. Vấn đề là chúng ta có vượt qua được những “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” để mạnh dạn áp dụng các biện pháp mạnh tay vào sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội hay không. Điều đó sẽ hữu hiệu hơn là chỉ tập trung vào các vụ án điểm mà “lò” đang được kéo đi các nơi kiếm “củi tươi, củi mục” như hiện nay.
Đinh Hồng Kỳ