nav moblie
Tin tức

Cứu ai và cứu để làm gì?

(Bài viết của ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch kiêm TGĐ Secoin đăng trên TBKTSG số ra ngày 31/01/2013) - Trao đổi qua Facebook về các giải pháp của Nhà nước nhằm giải cứu thị trường bất động sản với người bạn là Chủ tịch HĐQT một công ty vận tải lớn của Nhà nước đã được cổ phần hóa cuối đoạn, bạn tôi buông một câu: "Cứu ai và cứu để làm gì!" Tôi day dứt và suy nghĩ mãi về câu nói của bạn...

Cứu ai ?

Gần đây một loạt các giải pháp được Chính phủ đưa ra để nhằm giải cứu nền kinh tế thoát ra khỏi cơn khủng hoảng. Đa số các giải pháp này nhằm giải cứu bất động sản – một trong những tác nhân chính gây ra suy giảm kinh tế của cả đất nước. Vậy chúng ta cùng xem xem cứu bất động sản là cứu những ai trong bối cảnh hiện nay.

Dễ nhận thấy trước hết là cứu chủ đầu tư các dự án, mà một bộ phận không nhỏ các ông chủ này đều thuộc nhóm lợi ích khác nhau. Nhóm lợi ích này là sự xâu chuỗi từ các cá nhân trong cơ quan công quyền đến ông chủ dự án và ngân hàng – nhà tài trợ vốn. Rồi sau đó là các nhà đầu tư thứ cấp – hay gọi đúng hơn là đầu cơ. Chính các nhà đầu cơ nhảy vào thị trường mua đi bán lại, đẩy giá lên cao và gây ra thị trường méo mó và bệnh hoạn.

Thực tế cho thấy nhà ế hiện nay toàn nhà cao cấp cả ! Nhưng người có thể cứu nền bất động sản hiện nay chính là những người có nhu cầu mua nhà thực để ở. Nhưng thôi ôi, lượng người này thì nhiều vô kể nhưng số người đủ tiền mua nhà thì vô cùng ít ỏi. Với thu nhập bình quân của đôi vợ chồng trẻ hiện nay thì tiết kiệm đến cả 70-80 năm chưa chắc đã đủ tiền mua nhà. Chính phủ có giảm lãi suất cho vay mua nhà nhưng vấn đề là lấy đâu ra tiền tiết kiệm để trả được tiền gốc cho Ngân hàng chứ đứng nói chuyện lãi thấp hay cao ?!!!

Cứu để làm gì !

Câu hỏi là Chính phủ có đáng cứu các đối tượng này không ? Liệu có đáng cứu các ông chủ đầu tư đa ngành- đa nghề mà rất nhiều trong số đó đã đầu tư sai vào một lĩnh vực mà không thật sự hiểu biết về nó. Có nên cứu các ông chủ ngân hàng khi họ nhắm mắt cho vay để rồi bây giờ ôm một đống nợ xấu. Và càng có nên cứu không các vị đầu cơ là nguyên nhân không nhỏ gây ra thảm họa thị trường hiện nay. Rất nhiều các cảnh báo rằng giải pháp cứu trợ này là cơ hội để các nhóm lợi ích trục lợi. Thực tế câu chuyện này đã xảy ra trong việc trợ giúp lãi suất năm 2009.

Trong khi ai cũng nhìn thấy giải pháp ngắn hạn để cứu thị trường bất động sản là giá phải hạ thấp nữa. Khi đó cung mới gặp đúng cầu và người mua mới có niềm tin để quay lại thị trường. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ giúp cho phần lớn các nhà đầu tư tiếp tục duy trì được trạng thái trả nợ trong ngắn hạn để rồi sau đó thị trường sẽ quay lại tình trạng cũ và thậm chí còn thê thảm hơn. Trong khi động thái đúng đối với các ông chủ dự án và các nhà đầu tư là cần cắt lỗ, chấp nhận thất bại để rời thị trường nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác hoặc người mua thực sự.

Hơn nữa điều nguy hiểm là các gói hỗ trợ này sẽ trực tiếp giúp cho giá nhà đất vẫn neo ở giá cao, tiếp tục làm cho thị trường méo mó mà không trở về trạng thái thực của nó. Và điều đáng suy nghĩ là liệu có cần dùng một lượng ngân sách khổng lồ - tiền thuế của dân – để giải cứu các đối tượng nêu trên không hay giờ đây ai mới là người cần được giải cứu.

Ai cần cứu ?

Các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ tạo ra các giá trị gia tăng cho xã hội và nền kinh tế là các đối tượng ưu tiên để giải cứu thì có vẻ không được quan tâm đúng mực. Đơn hàng càng ngày càng giảm, hàng tồn kho chất đống, chi phí tăng liên tục,… Giải pháp của Chính phủ là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rồi giãn thời gian nộp thuế. Có thể nhận xét về việc này qua lời than của một doanh nghiệp sản xuất xi măng: ”Khổ ! nhưng mà tôi sắp phá sản rồi lấy đầu ra lãi mấy năm nay mà cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp !”

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tầng lớp nhạy cảm nhất, khó khăn nhất hiện nay chính là người lao động. Đồng tiền ngày càng mất giá, đồng lương giảm giá trị, giá cả ngày càng đắt đỏ, tình trạng thất nghiệp gia tăng khi doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều.

Vậy mà các doanh nghiệp sản xuất và cả người lao động của họ bước vào năm 2013 với hai cú trời giáng: giá điện tăng và áp dụng thu phí bảo trì đường bộ. Ngành điện năm nay lần đầu tiên có lãi lớn sao lại vội tăng thêm nữa. Phí bảo trì đường bộ bao nhiêu năm nay không thu sao chọn đúng lúc khó khăn nhất thì thu. Đành rằng việc việc tăng và thu này là đúng nhưng liệu đã đúng thời điểm chưa ? Người dân đã khó nay càng khó hơn còn doanh nghiệp đã lỗ thì nay càng lỗ thêm.

Đó là chưa kể việc áp dụng lương tối thiểu lên mức mới mà thực chất không làm tăng lương mà chỉ tăng thu của Nhà nước từ doanh nghiệp và người lao động thông qua bảo hiểm xã hội. Rồi việc nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng thì kéo tới tận tháng 7 mới áp dụng ! Thiết nghĩ Chính phủ hoàn toàn có thể trích bớt một phần tiền giải cứu hiện nay để trì hoãn áp dụng các chính sách trên để giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động.

Xét ở tầm vĩ mô, giờ đây không phải lúc Chính phủ đưa ra biện pháp kích cầu, xóa nợ, giãn nợ, giảm thuế hay tín dụng giá rẻ nữa mà cần phải chấp nhận một qui luật thị trường là doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả phải để đào thải.  Giải pháp mà người dân và doanh nghiệp hiện nay trông chờ ở Chính phủ là một giải pháp toàn diện trong đó đặc biệt là tập chung tái cơ cấu kinh tế, chống tham nhũng, lợi ích nhóm và từng bước lành mạnh hóa nền kinh tế. Một cơ thể khỏe mạnh mới có thể phát triển chứ không thể trông chờ vài viên thuốc giảm đau tức thời !

Sài Gòn, 08/01/2013

                                                                                                                                                                                                                                    Đinh Hồng Kỳ


Người viết : admin
zalo secoin