nav moblie
Tin tức

Một góc nhìn về CSR

Đã có quá nhiều bài viết phân tích về CSR – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, rằng nó là cái gì và doanh nghiệp phải làm gì và được lợi gì khi thực hiện nó. Chắc chắn rằng không ít doanh nghiệp và doanh nhân cứ nghĩ rằng CSR có nghĩa là làm từ thiện. Cũng một bộ phận không nhỏ trong số đó lợi dụng CSR để trục lợi hoặc làm từ thiện nhưng với cái tâm không hề thiện.
 
Đã có quá nhiều bài viết phân tích về CSR – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, rằng nó là cái gì và doanh nghiệp phải làm gì và được lợi gì khi thực hiện nó. Chắc chắn rằng không ít doanh nghiệp và doanh nhân cứ nghĩ rằng CSR có nghĩa là làm từ thiện. Cũng một bộ phận không nhỏ trong số đó lợi dụng CSR để trục lợi hoặc làm từ thiện nhưng với cái tâm không hề thiện. Có những doanh nhân thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông qua các sự kiện làm từ thiện, rao giảng về “đạo đức doanh nhân” nhưng họ lại nợ lương công nhân hàng tháng trời!

Gần đây bắt đầu rộ lên chuyện doanh nhân đi làm từ thiện ở các nhà chùa. Có người bỏ ra số tiền không nhỏ, thậm chí từ nguồn đi vay hay nợ lương của công nhân để ủng hộ cho chùa. Họ gọi số tiền đó là từ tâm, công đức với niềm tin một thế lực vô hình nào đó sẽ cho họ sự giàu sang mà không hiểu rằng trước hết hãy hảo tâm với chính nhân viên của mình. Đó mới chính là làm phúc cho người và cho mình.

Chưa hết, ở ta có doanh nghiệp làm bột ngọt hàng năm ủng hộ không biết bao nhiêu tiền cho chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng hàng ngày lại thải trộm hàng tấn chất độc ra sông để đầu độc nguồn sống của biết bao con người trong nhiều năm trời!

Chuyện ở doanh nghiệp xứ mình là vậy, còn dưới đây là là chuyện doanh nghiệp xứ khác.Đối tác Mỹ khi sang làm việc cùng chúng tôi cho thấy, họ sẵn sàng đầu tư hệ thống dùng điện từ năng lượng mặt trời mặc dù biết rằng cho phí đó đắt gấp hai lần so với dùng điện lưới thành phố nhưng qua đó mỗi năm họ giảm được 350 tấn carbon thải ra. Họ sẵn sàng chi thêm tiền đầu tư hệ thống lọc nước mưa nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm của trái đất. Họ chấp nhận giá thành sản phẩm tăng lên khi dùng bao bì giấy tái chế hay túi nylon sinh học có khả năng tự phân hủy để bảo vệ môi trường.

Rồi chuyện một doanh nghiệp Anh sang thăm công ty tôi để kiểm tra điều kiện làm việc của công nhân, xem có sử dụng lao động trẻ em như một số doanh nghiệp ở Trung Quốc đã làm hay không. Khi đàm phán về giá, họ chấp nhận mua giá cao hơn nếu chúng tôi sử dụng các nguyên liệu bao bì bảo vệ môi trường.

Những câu chuyện đó cho thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở các nước phát triển đã đạt tới một tầm cao như thế nào. Họ đặt tương lai của thế giới và nhân loại cao hơn những nhu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp. 
Ở một góc nhìn khác, tôi muốn kêu gọi trách nhiệm xã hội cảu doanh nghiệp trong việc góp phần chống tham nhũng, điều đang trở thành vấn nạn nhức nhối của Việt Nam. Thử hỏi các doanh nghiệp ta đồng lòng không bồi dưỡng hải quan khi nhập hàng hàng hóa, kiên quyết không bồi dưỡng cho cán bộ thuế mà nộp thuế đàng hoàng, không “lại quả” cho những hợp đồng béo bở,… thì tham nhũng đâu còn mảnh đất sống !
Đừng nói đến việc CSR ở đâu đó cho cao sang, hãy làm tốt CSR ngay chính doanh nghiệp mình cũng đã là tốt rồi: nộp thuế đầy đủ, minh bạch không tham nhũng, đảm bảo đồng lương đủ sống cho công nhân, chăm lo về môi trường làm việc xanh sạch cho người lao động, bữa ăn trưa đầy đủ chất,.. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp làm tốt cho riêng mình thế thôi cũng đủ đóng góp rất nhiều cho xã hội này rồi !
Sài Gòn, 8-10-2012
Đinh Hồng Kỳ
 
 
 
Người viết : admin
zalo secoin