nav moblie
Tin tức

Nhìn casino trong thế giới phẳng

(TBKTSG số 18-2014) - Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho Bộ Tài chính điều chỉnh dự thảo nghị định về hoạt động sòng bài (casino) theo hướng cho phép người Việt trong nước vào các sòng bài đánh bạc. Quyết định này nên có hay không, đâu là những mối quan ngại về mặt xã hội và đâu là những giải pháp để hạn chế những tác hại của quyết định... qua góc nhìn của các doanh nhân và nhà sử học.

Ông Triệu Tôn Phong, Tổng giám đốc MSV: Đối diện sự thật để tìm giải pháp

Xuất thân từ nền kinh tế nông nghiệp, người Việt Nam luôn phải đối mặt với những may rủi hoặc những hoạt động mà kết quả không hiển nhiên. Tâm lý “được ăn cả ngã về không” đã trở thành nhận thức lâu đời của người Việt. Trong quan niệm của nhiều người Việt, đánh bạc là thú vui, cách để thử thời vận, để xả xui và cũng là nơi để tranh tài cao thấp. Thực tế vẫn còn một số không nhỏ người Việt giữ tục lệ đánh bài đầu năm. Ngay trong giới doanh nhân, vẫn có một số nhóm gặp nhau thường xuyên chỉ để đánh bài.

Vì là nhu cầu nên đánh bạc luôn tồn tại ở Việt Nam dù có được luật pháp cho phép hay không. Tùy theo góc nhìn mà đánh bạc được xem là tốt hay xấu, từ cờ tướng (thanh cao) đến đánh bài (tệ nạn). Để né tránh pháp luật nó đã biến tấu muôn hình vạn trạng, cá độ được vận dụng trong tất cả các hoạt động tranh đua, từ cá độ bóng đá, cá độ đua xe, đến cá độ thời tiết, cá độ đá gà, đá dế, đầu số seri trên tờ giấy bạc... Các hoạt động khuyến mãi - kích thích người mua bằng một phần thưởng luôn được người Việt ủng hộ. Hầu hết ở các tour du lịch đi nước ngoài của người Việt, chương trình bao giờ cũng dành thời gian “tham quan” casino nếu điểm đến có dịch vụ giải trí này.

Tôi cho rằng nhu cầu đánh bạc của người Việt Nam sắp tới sẽ tăng mạnh từ sự đóng góp của giới siêu giàu đang lớn nhanh trong vài năm tới.

Chúng ta thường có tâm lý né tránh không cho trẻ con tiếp xúc với các vấn đề tiền nong để cuối cùng sản sinh ra tầng lớp “thiếu gia” xài tiền và “biết chơi” hơn cả “đại gia”.

Bộ luật Hình sự Việt Nam xác định đánh bạc là vi phạm nhưng việc đánh bạc vẫn đang tồn tại và gây nhiều hệ quả vì không quản lý được. Nhà nước phải có cách quản lý và giáo dục hiệu quả hơn. Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của phong kiến, lão giáo nên dù đã tập hợp được những người ưu tú có tầm nhìn để phản biện và lắng nghe, nhưng tất cả lực lượng tham gia vào việc làm luật và phản biện lại rơi vào bẫy chung của lão giáo. Do đó tư duy của các lực lượng tương đối là đồng nhất quan điểm nhưng lại không theo kịp xu hướng chuyển biến của thời đại. Tính cách hoài nghi, phong kiến và áp đặt đã vô tình phủ nhận các thế giới quan khác trong việc làm luật và thi hành luật.

Một điều đáng quan ngại nữa là Việt Nam cần có quy hoạch hợp lý và nhất quán ngay từ đầu để không lặp lại “hội chứng sân golf” hoặc hội chứng “nhà máy bia”. Đừng để casino mọc lên như nấm, mỗi tỉnh, thành phố đều “vận động” mở casino để tạo nguồn thu cho địa phương.

Có ý kiến đề xuất chỉ nên cho phép mở casino ở những khu vực chưa phát triển khó thu hút đầu tư, đây là một ý hay. Tuy nhiên cần cân nhắc thêm một số vấn đề: những vùng đó có cạnh tranh được với các casino từ các nước láng giềng để ngăn chặn nạn người Việt ra nước ngoài đánh bạc ngày một gia tăng hơn; các nhà đầu tư đến đây có đủ tiềm lực để xây dựng một thành phố casino đúng nghĩa với các tổ hợp vui chơi, giải trí, thư giãn và thưởng ngoạn du lịch. Và một điều lo ngại nữa: liệu chính quyền ở những địa phương đó có đủ sức điều hành chính quyền đô thị du lịch có casino?

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng Secoin: Không thể cấm thì phải cho phép

Tôi cho rằng Nhà nước cần sớm hợp pháp hóa các hình thức đánh bạc và cho phép người Việt Nam tham gia. Thực tế hiện nay, mặc dù chưa cho phép đánh bạc trong nước, nhưng Nhà nước vẫn cho phép phát hành sổ xố. Từ sổ xố phát sinh ra các hình thức tệ nạn khác như lô đề chui lậu diễn ra hàng ngày. Vậy tại sao cho phép phát hành sổ xố (cũng là một hình thức đánh bạc) mà không cho phép hình thức đánh bạc khác.

Hình thức đánh bạc trực tuyến thông qua Internet hiện nay phát triển rất mạnh thậm chí đem lại nguồn doanh thu còn lớn hơn các sòng bạc nhiều. Hình thức đánh bạc này rất khó kiểm soát. Thực tế nhiều năm qua lượng ngoại tệ từ Việt Nam thất thoát ra nước ngoài thông qua cá độ thể thao trên Internet là rất lớn. Một hãng cá độ trực tuyến nổi tiếng của Anh khi chạy thông tin trên bảng quảng cáo điện tử trên sân vận động giải bóng đá ngoại hạng Anh họ đã chọn ba thứ tiếng là Anh, Trung và Việt. Chỉ cần chi tiết đó thôi đã thấy lượng người Việt là khách hàng của hãng này vô cùng lớn. Chúng ta không cho phép cá độ thể thao, không cho phép đánh bạc trực tuyến nhưng mọi việc vẫn đang diễn ra và đang không thể kiểm soát một lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài.

Quay trở lại câu chuyện quản lý các sòng bạc, do quy định cấm người Việt Nam không được phép vào chơi trong các casino được mở trong nước nên đã có một bộ phận không nhỏ ra nước ngoài và cả các nước lân cận để thỏa máu cờ bạc. Nhìn vào thực chất thì Nhà nước có muốn cấm cũng chẳng cấm được trong khi phải chứng kiến một lượng ngoại tệ thất thoát qua biên giới và cả một khoản thuế có thể thu được.
Vậy thì chúng ta có nên cấm một lĩnh vực mà trong tương lai chắc chắn sẽ không thể cưỡng lại. Muốn kiểm soát được tệ nạn cờ bạc thì thay vì cấm chúng ta cần phải tổ chức lại việc này một cách quy cũ.

Ông Nguyễn Nghị, Nhà nghiên cứu sử học: Lo nhiều hơn mừng

Tôi vốn không có khiếu trong việc chơi cờ hay đánh bạc, đá gà... nên cũng chẳng cảm thấy mấy phấn khởi khi đọc cái tin “cho phép người Việt vào casino...” (Tuổi Trẻ, thứ Sáu 18-4-2014, trang 6) trong khi, đáng lý ra, phàm cái gì cho, nhất là cho phép... sẽ phải làm người ta vui. Trái lại, trong trường hợp này, lo nhiều hơn mừng. Đường đến casino xem ra lành ít dữ nhiều, thậm chí đại họa, dĩ nhiên, không phải đối với tất cả mọi người.

Đã hẳn, đây là một sự “cho phép trong điều kiện, với các quy định rõ rệt” với mục đích là để “quản lý”. Nhưng tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, qua muôn vàn phản ánh của các phương tiện truyền thông xã hội, có các điều kiện, quy định đúng và đủ, cũng chẳng quản lý được gì nhiều. Có hôm, mở mắt ra đã đọc được cái tin trên Dân Trí: Một “chiếc xe container chỉ được phép chở đúng tải trọng là 40 tấn gạo nhưng trên thực tế lại chở đến 70 tấn. Chiếc xe này đi qua bảy tỉnh gồm Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, theo quy định sẽ bị kiểm soát tải trọng ở sáu trạm cân khác nhau. Tuy nhiên có vẻ như việc phương tiện này chở quá tải không hề được phát hiện cho đến tận khi chiếc xe gây tai nạn chết người”. Ba mươi tấn hàng ngoài quy định còn chui qua lỗ kim được thì những điều kiện, quy định về “đủ năng lực tài chính”, về “năng lực hành vi”... liệu người quản lý có phát hiện, có thấy để “quản lý”?

Vấn đề mấu chốt và quyết định là thực thi, áp dụng quy định một cách nghiêm ngặt, như quy định đòi hỏi. Một biện pháp đề ra để “quản lý”, nhưng khi chính các quy định bảo đảm việc quản lý lại không được quan tâm, biện pháp đề ra sẽ chỉ dẫn đến một tình trạng xấu hơn.

 
zalo secoin