PHÁT TRIỂN MẠNH THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐẦU RA HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VẬT LIỆU XÂY DỰNG MÀ SECOIN LÀ MỘT ĐIỂN HÌNH. Trò chuyện với NCĐT vào dịp đầu Xuân Ất Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Đinh Hồng Kỳ của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Secoin cho biết ông là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp chưa thể lạc quan về thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng Việt Nam trong 2015.
Mặc dù thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy thị trường bất động sản năm ngoái đã ghi nhận lượng giao dịch khá mạnh với trên 11.000 căn tại TP.HCM ở tất cả phân khúc, nhưng theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thì sự sôi động này chưa phản ánh được toàn cảnh của thị trường. Các dự án cao giá và siêu cao giá (trên 40 triệu đồng/m2) vẫn khá trầm lắng. Quan trọng hơn, TP. HCM hiện có tới hơn 900 triệu dự án bất động sản “bất động”, trong đó đã rút giấy phép 200 dự án, khoảng 700 dự án đang “đắp chiếu” có giá trị vay hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đây chính là mầm móng phá sản và vỡ nợ của không ít doanh nghiệp trong ngành.
Với cùng nhận định về thị trường bất động sản và kéo theo là ngành vật liệu xây dựng, ông Kỳ cho rằng thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng hiện khá yếu do tình trạng quy hoạch không rõ ràng.
Một vấn đề khác là tình trạng thừa cung. Trước đây, ngành xi măng đã có lúc khan hiếm phải vận chuyển từ Bắc vào Nam để tiêu thụ với giá cao. Sau đó, Bộ Xây dựng tăng cường đầu tư thì trong vòng 2 năm xi măng lại thừa thãi. “Thị trường Việt Nam cái gì cũng thiếu, nhưng đầu tư không đúng quy hoạch sẽ dư thừa ngay”, ông Kỳ nhận xét.
Khi thị trường tiêu thụ nội địa không ổn, xuất khẩu là một chiến lược mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải nhắm tới. Và vị lãnh đạo cao nhất của Secoin đã nhìn thấy điều này từ lâu.
45 THỊ TRƯỜNG NGOẠI
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp vật liệu xây dựng lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu của Secoin vẫn tăng tưởng đều đặn ở mức 20-25% mỗi năm. Đặc biệt, tỉ trọng xuất khẩu trong năm 2014 đã đạt 72,5%. Đây là mức cao nhất trong lịch sử 25 năm hoạt động của Secoin. “Nếu không xuất ngoại, Công ty không thể phát triển được như hôm nay”, ông Kỳ nói.
Năm 1995, từ Ba Lan, ông Kỳ về nước chính thức làm Giám đốc Secoin Việt Nam. Nhận thấy hầu hết gạch nung trong khi ở châu Âu có tới 90% dùng gạch không nung, ông quyết định tập trung vào nghiên cứu sản xuất gạch không nung tại Việt Nam.
Hai năm sau, Secoin bắt đầu chuyển giao công nghệ cho 50 nhà máy gạch không nung trong nước và mua lại nhà máy gạch của Nhật (1999) để xây dựng thành nhà máy Hà Tây. Năm 2001, Công ty tiếp tục mua lại nhà máy gạch của Contrexin (Bộ Xây dựng), biến thành Secoin Xuân Mai. Sau đó đầu tư thêm 2 nhà máy mang tên Secoin Hưng Yên, rồi tiếp quản 2 nhà máy gạch bông Thanh Danh (2009) gần như phá sản để biến thành nhà máy Secoin Bình Dương và Secoin Bình Chánh. Mới nhất, Công ty đưa vào hoạt động nhà máy Secoin Đà Nẵng để tăng cường năng lượng sản cuất trong cả nước với 10 dòng sản phẩm vật liệu xây dựng không nung.
Không tiết lộ về năng lực sản xuất, nhưng ông Kỳ khẳng định Secoin đang thuộc top đầu các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trong nước và sẽ tiếp tục thực thi chiến lược dài hạn là vươn ra nước ngoài. “Thị trường nội địa tưởng lớn nhưng lại nhỏ, đông dân nhưng sức mua còn thấp. Còn xuất khẩu vừa hiệu quả lại an toàn về tài chính khi nợ xấu, nợ trong xây dựng cơ bản trong nước vẫn còn trầm trọng”, ông Kỳ chia sẻ.
Sản phẩm của Secoin đang có mặt tại 45 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Trong đó, thị trường khó tính nhất là Nhật vì khách hàng thường đòi hỏi chất lượng cao, kể cả văn hóa ứng xử trong kinh doanh lẫn sự kiên trì trong đàm phán.
SECOIN TRÊN ĐẤT KHÁCH
Thâm nhập thị trường Nhật từ năm 1999, hiện 30% sản phẩm vật liệu xây dựng ngoài trời tại Nhật là gạch Terrazzo của Secoin. Công ty cũng chiếm hơn 85% thị phần gạch bông ở Isreal; gạch bể bơi Secoin đã có mặt tại 5 bang của Úc; và 80% trong tổng số các thương hiệu gạch bông tại châu Âu do Secoin sản xuất.
Chiến lược xuất khẩu của Secoin thành công là nhờ tập trung vào nhận thức. Ông Kỳ cho rằng muốn thành công ở nước ngoài, cần phải hiểu rõ khách hàng muốn gì, ta có gì; và phải sản xuất ra sản phẩm họ cần chứ không phải thứ mình có thể làm.
Thiết lập kênh phân phối cũng quan trọng không kém. Theo ông Kỳ, có những thị trường chỉ mất 2 ngày để chọ nhà phân phối, nhưng có nơi phải 3 năm vì quy trình kiểm tra sản phẩm rất nghiêm ngặt của đối tác sở tại.
“Trước đây, từng có nhà phân phối từ Anh sang tận nhà máy ở Việt Nam kiểm tra xem sản phẩm của Secoin có tái chết được không, bao bì ra sao, trả lương công nhân có đủ sống không, bảo hộ lao động như thế nào, có dùng lao động trẻ em không, xử lý nước thải ra sao, … Nghĩa là khi Secoin đã bước vào thị trường quốc tế thì phải tuân theo luật chơi chung”, đại diện Secoin kể.
Ngoài ra, một bí quyết khác của Công ty nhằm đạt được sự ổng định ở nước ngoài là không nên lệ thuộc vào một vài thị trường. Bài học được ông Kỳ rút ra là nên xuất khẩu tập trung nhưng vẫn đa dạng ở các thị trường. “Chẳng hạn khi doanh số từ châu Âu giảm thì ở Úc lại tốt lên, hay Trung Đông lên thì châu Âu lại xuống. Đa dạng hóa thị trường sẽ giúp Công ty ít gặp rủi ro”, ông nói.
Bên cạnh đó, tính pháp lý của thị trường ngoại luôn rõ ràng nên đại diện Secoin cho rằng cố gắng đừng làm gì “nhạy cảm” thì doanh nghiệp sẽ an toàn. Một bài học khác là Secoin đã cùng đối tác của mình xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất tới người sử dụng cuối cùng, bao gồm cả kho vận, phân phối, chuối bán lẻ hay tư vấn thiết kế, …
Tản mạn trong những ngày đầu Xuân, vị lãnh đạo Secoin cho biết ông đang nuôi tham vọng là sau khi mảnh xuất khẩu đã ổn định và phát triển bền vững. Công ty sẽ từng bước xây dựng thương hiệu cho chính mình ở thị trường nước ngoài. Nhưng, đây là bước đi lớn mang tính thế hệ và hoàn toàn không đơn giản. Bởi để khách hàng quốc tế chấp nhận một thương hiệu Việt ở nước ngoài vẫn rất khó.
Một thoáng suy tư, nhưng ông Kỳ vẫn tỏ ra quyết tâm. “Khó nhưng cũng phải làm, SCG từng đề nghị mua 60% vốn của Secoin nhưng tôi đã từ chối. Tôi luông khẳng định Secoin là doanh nghiệp Việt Nam và đã xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Một ngày nào đó, thương hiệu này sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mạng đem chuông đi đánh xứ người”, ông nghiêm giọng nói.
Báo Nhịp Cầu Đầu Tư ngày 02/03/2015